Hoàn cảnh lịch sử Thuận_Trị

Chân dung một người đàn ông Nữ Chân trong một bản khắc gỗ của nhà Minh năm 1609[6][7]

Những năm 1580, một số bộ lạc người Nữ Chân đã đến sinh sống ở miền đông bắc cương vực Đại Minh (vùng đất nay là Đông Bắc Trung Quốc hay "Mãn Châu").[8] Sau một loạt chiến dịch quân sự từ những năm 1580 đến những năm 1610, Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thủ lĩnh của Kiến Châu Nữ Chân, đã thống nhất hầu hết các bộ lạc Nữ Chân dưới quyền của mình.[9] Một trong những cải cách lớn của ông là phân các bộ lạc Nữ Chân ra làm bốn đơn vị với các màu cờ khác nhau (vàng, trắng, đỏ, xanh) làm hiệu, sau đó mỗi đơn vị này lại được chia ra làm hai, Chính kỳ và Tương kỳ, tạo thành một hệ thống tổ chức quân sự và xã hội gọi là Bát Kỳ.[10] Nỗ Nhĩ Cáp Xích trao quyền nắm giữ các kỳ cho các con cháu của mình.[11]

Khoảng năm 1612, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy họ Ái Tân Giác La ("Giác La vàng"), để phân biệt với các nhánh khác trong thị tộc "Giác La" và tưởng nhớ đến nhà Kim, triều đại của người Nữ Chân từng cai trị Trung Quốc từ năm 1115 đến năm 1234.[12] Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích li khai khỏi Đại Minh, đặt quốc hiệu là Hậu Kim, niên hiệu là Thiên Mệnh (天命).[13] Trong những năm tiếp theo ông liên tục giành được chiến thắng, đoạt được phần lớn đất Liêu Đông từ tay nhà Minh [14] cho đến khi bị tướng Minh là Viên Sùng Hoán trong trận Ninh Viễn vào tháng 2 năm 1626 với sự trợ giúp của những khẩu hồng di pháo từ Bồ Đào Nha.[15] Đau đơn vì thua trận, Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời chỉ vài ngày sau đó.[16]

Con trai và người kế vị của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực (1592 – 1643) tiếp tục công cuộc của phụ thân: tập trung quyền lực về tay mình, cải tổ cơ chế triều đình Hậu Kim theo kiểu nhà Minh, sáp nhập các lực lượng người Mông Cổ và người Hán quy thuận vào trong Bát Kỳ.[17] Năm 1629 ông dẫn quân tiến sát Bắc Kinh, bắt được những thợ thủ công người Hán biết cách chế tạo những khẩu hồng di pháo.[18] Năm 1635, Hoàng Thái Cực đổi tên "Nữ Chân" thành "Mãn Châu", và năm 1636 đổi quốc hiệu "Hậu Kim" thành "Đại Thanh".[19] Sau trận Tùng-Cẩm năm 1643, nhà Thanh chuẩn bị cho đợt công kích cuối cùng trong lúc nhà Minh phải đối mặt với việc quốc khố cạn kiệt, ôn dịch hoành hành dẫn tới các cuộc khởi nghĩa nông dân trong nước và nạn đói lan rộng.[20]